Hiện thực cay đắng của giấc mơ ‘chạy Grab kiếm 30 triệu đồng/tháng’

Ba năm trước, anh Nguyễn Văn Bảo (35 tuổi, quê Nghệ An) tình cờ xem một video trên YouTube, nghe tài xế chia sẻ chạy Grab có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Thậm chí nếu cố gắng “cày cuốc” và biết cách chạy, con số này có thể là 30-40 triệu đồng/tháng.

Anh cân nhắc rồi quyết định nghỉ việc bảo vệ tại một doanh nghiệp địa phương, cùng vợ con ra Hà Nội đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ với mong muốn cuộc sống sẽ bớt khó khăn.

Tuy nhiên, sau 3 năm, niềm hy vọng của anh Bảo đã bị dập tắt. Bởi thực tế, số tiền thực nhận từ việc chạy xe Grab hoàn toàn không cao như quảng cáo hay sự tưởng tượng của anh.

Thời gian đầu khi lượng tài xế đăng ký chạy Grab còn thấp, mức thu nhập của anh Bảo rơi vào khoảng 10-15 triệu/tháng. Nhưng rồi tỷ lệ nhận chuyến giảm dần, hiện mỗi tháng anh chỉ thu về được 6-8 triệu đồng.

Tài xế Grab tắt ứng dụng, diễu hành phản đối công ty hôm 7/12 ở Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Việt Hùng.Chạy xe hơn 10 tiếng/ngày nhưng thu nhập bèo bọt

Tài xế Grab tắt ứng dụng, diễu hành phản đối công ty hôm 7/12 ở Hà Nội và TP HCM. Ảnh: Việt Hùng.

Chạy xe hơn 10 tiếng/ngày nhưng thu nhập bèo bọt

“Có thời điểm tôi phải cố gắng chạy cả ngày lẫn đêm, bất kể nắng mưa để kiếm thêm tiền thưởng, đủ tiền mua bỉm, sữa cho con và trang trải các chi phí sinh hoạt”, anh nhớ lại.

Chưa kể, lái xe phải tự chi trả các khoản như tiền ăn, xăng xe, khấu hao phương tiện, chi phí sửa chữa… “Mọi người cứ tưởng nghề xe ôm công nghệ sẽ có thu nhập cao, nhưng phơi mặt hơn 12 tiếng ngoài đường cũng không đủ tiền nuôi vợ con ở cái đất Hà Nội này”, anh Bảo nói.

Cũng rời quê lên Hà Nội, ông An (57 tuổi, Hà Nam) vay 50 triệu đồng để sắm một chiếc xe máy và smartphone mới đăng ký chạy GrabBike. Công việc vất vả từ sáng sớm đến tối muộn nhưng sau hơn một năm, ông vẫn chưa trả hết nợ. Ông lo lắng khoản tiền đầu tư của mình bị lỗ.

Ông kể hôm trước chạy xe từ 6h đến 18h được tổng cộng 475.000 đồng, sau khi trừ các loại thuế phí của Grab thì chỉ nhận về khoảng 333.000 đồng. Trừ thêm 140.000 đồng tiền ăn và xăng xe, ông chỉ còn 190.000 đồng cho một ngày làm việc hơn 10 tiếng.

“Đó là chưa tính tiền điện thoại và hao mòn xe. Trừ xong, tài xế chẳng còn gì nữa trong khi khách đặt xe ngày càng ít. Chạy cuốc ngắn, số tiền thực nhận chẳng đáng là bao, có cuốc xe tôi chỉ nhận về được đúng 8.000 đồng”, ông An cho biết.

Chạy Grab kiếm 30 triệu đồng/tháng là một miếng bánh không dễ xơi. Ảnh: Việt Hùng.

Chạy Grab kiếm 30 triệu đồng/tháng là một miếng bánh không dễ xơi. Ảnh: Việt Hùng.

Rồi mới đây, Grab tăng khấu trừ từ 20% lên 27,273% đối với tài xế GrabBike, cả ông An và anh Bảo cùng nhiều “đối tác” khác tắt ứng dụng, nghỉ chạy 4 ngày để phản đối công ty này. Kết quả chưa thấy đâu nhưng cả 2 đã hết tiền, phải đi chạy lại.

“Một cuốc xe ôm vài chục nghìn mà khấu trừ tăng lên gần 30%, tài xế như tôi giờ còn lại chẳng được bao nhiêu”, anh Bảo mở điện thoại lướt cho người viết xem từng trang sao kê cuốc xe chạy được từ đầu tháng đến nay. Người đàn ông quê Nghệ An cho rằng việc tăng khấu trừ ảnh hưởng rất lớn tới cả hãng và cánh xe ôm.

“Grab sẽ mất số lượng lớn tài xế vì thu nhập giảm, trong khi nếu bỏ việc, chúng tôi lại phải vất vả tìm cơ hội kiếm tiền khác. Nhiều người bạn của tôi đã chán nản nghỉ chạy, tìm đường sang taxi truyền thống, thậm chí có người tính đến chuyện bán xe”, anh Bảo tâm sự.

Grab quản lý tài xế, kiểm soát giá cước và thưởng phạt

Đứng giữa nút giao Duy Tân – Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được nửa tiếng thì ứng dụng thông báo nổ cuốc, ông Vũ Huy (50 tuổi, quê Hải Dương) phàn nàn vì quãng đường đi xa, trong giờ cao điểm mà giá cước thấp. Hồi còn chạy xe ôm truyền thống, ông có thể dễ dàng mặc cả được với khách giá cuốc xe này.

Tuy nhiên, do là nguồn thu nhập duy nhất nên ông Huy không muốn hủy cuốc mà cố gắng chạy liên tục. “Nếu hủy thì phải đợi lâu hơn bình thường để nổ cuốc mới, kiểu nó thế. Chạy xe ôm công nghệ cứ nói giờ giấc linh hoạt, rảnh lúc nào thì chạy nhưng họ (Grab – PV) phải đưa cho mình khách, mình mới chở được chứ”, ông Huy nói.

Không chỉ phàn nàn về thu nhập “thấp ổn định”, ông Huy cho biết thường xuyên bị Grab làm “gián đoạn” thời gian nhận cuốc xe mỗi khi sắp đạt đến mức điểm thưởng vào cuối ngày.

“Có lần tôi chỉ cần đúng một cuốc xe nữa thôi là đủ điểm thưởng nhưng chờ hơn một tiếng đồng hồ, sát giờ chốt điểm thì Grab mới nổ thêm cuốc cho tôi. Lúc hoàn thành chuyến thì đã quá giờ, thành ra tôi mất trắng công sức chạy từ ngày đến đêm để nhận thưởng”, tài xế này bức xúc.

Đến cả chuyện phạt “đối tác”, Grab cũng là bên quyết định. “Thỉnh thoảng, Grab sẽ cho nhân viên kiểm tra xem tài xế có mặc đúng đồng phục quy định hay không, nếu tài xế cho mượn tài khoản, chạy sai xe cũng sẽ bị phát hiện”, ông Huy cho hay.

Tài xế là bên yếu thế trong quan hệ "đối tác" với Grab. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tài xế là bên yếu thế trong quan hệ “đối tác” với Grab. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, lo cho cuộc sống hàng ngày vẫn là câu chuyện của những anh Bảo, ông An hay ông Huy. Với người trẻ như anh Bảo, nếu khó khăn quá có thể theo chân những người bạn chuyển sang chạy taxi truyền thống, thậm chí đi vay tiền để tìm kiếm cơ hội làm ăn khác.

Còn với ông An, mối bận tâm hàng đầu bây giờ có lẽ là vào một ngày khi không còn đủ sức chạy xe ôm nữa, ông sẽ làm gì để lo cho gia đình và chính bản thân mình. Năm nay ông đã gần 60 tuổi rồi.

Là “đối tác tài xế của Grab”, ông An không được hưởng những quyền lợi cơ bản như lương tối thiểu, tiền ngoài giờ, bảo hiểm y tế, ngày nghỉ bệnh có lương… đồng nghĩa với việc sẽ không có phúc lợi khi về già.

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn